Quỳnh Lưu III online
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Quỳnh Lưu III online

chào mừng bạn đến với diễn đàn quynhluu3
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 lý giải của thi trượt_là triết học nên khó hiểu các bạn à_dọc rồi sẽ thấy hay

Go down 
Tác giảThông điệp
duylinh.fatcat




Tổng số bài gửi : 8
Join date : 06/12/2010
Age : 31
Đến từ : quỳnh lương

lý giải của thi trượt_là triết học nên khó hiểu các bạn à_dọc rồi sẽ thấy hay Empty
Bài gửiTiêu đề: lý giải của thi trượt_là triết học nên khó hiểu các bạn à_dọc rồi sẽ thấy hay   lý giải của thi trượt_là triết học nên khó hiểu các bạn à_dọc rồi sẽ thấy hay I_icon_minitimeMon Dec 06, 2010 3:34 pm

TRIẾT LÝ VÀ TRIẾT HỌC
(Vấn đề của cuộc sống)
Khi ngồi ở lớp triết lý để học triết lý, người sinh viên mong muốn gì? muốn hiểu triết học, cũng như hiểu lý hoá toán học trong giờ giảng khoa học. Trước khi giáo sư cắt nghĩa, giải thích, hiểu tại sao một vật nặng lại rơi trong không khí. Sau bài giảng, hiểu được tại sao, người sinh viên đã nắm vững được vấn đề biết được là như thế, như thế đã có một kiến thức về sự vật, một kiến thức vật lý.
Nhưng trong lớp triết, chỉ tìm hiểu với một thái độ như thái độ ở lớp khoa học, không thể thực sự hiểu được triết lý.
Triết học không phải chỉ là những vấn đề, những giải đáp đặt trên phương diện nhận thức: tôi biết vấn đề đó là như thế như thế... nhưng chủ yếu là một thái độ sống. Cho nên chỉ có thể hiểu được triết lý từ thái độ sống đó mà thôi.
Ví dụ: Trong một lớp sinh ngữ, thầy giáo dịch: phải, không là Oui, Non trong tiếng Pháp. Nhưng vấn đề kg đơn giản như vậy. Trong tiếng Việt Oui không phải lúc nào cũng là phải và non lúc nào cũng là không.
Chữ vâng, đã có nghĩa là đồng ý, nhưng cũng có nghĩa là tôi để ý nghe, không lãng trí lơ đễnh, tôi chấp nhận lời nói một cách cung kính, nhưng chấp nhận lời nói mà chưa hẳn là đồng ý với nội dung lời đề nghị.
Chữ không cũng vậy. Có nghĩa là từ chối thật, nhưng còn có nghĩa là sẽ chấp chận, chỉ không dám nhận ngay thôi. Khi được mời hay được cho cái gì, người Việt Nam trả lời thưa không ạ. Không đây có thể chỉ là không dám nhận ngay, vì nhận ngay có vẻ thô lỗ qúa “háu ăn hay tham lam’ nên người lịch sự phải biết tự chủ, kìm hãm ước muốn để đợi người ta mới đến lần thứ hai, thứ ba mới nhận. Người Pháp có thể ngạc nhiên hoặc cho thái độ của người Việt là thiếu thành thực, kỳ quặc khó hiểu. Đối với người Việt thì chỉ là một sự tế nhị thôi.
Ví dụ đó cho thấy ngôn ngữ không phải là một sự vật, mà ta có thể nghiên cứu một cách khách quan như khảo sát sự kiện rơi của vật nặng trong không khí, mà là một thái độ sống thực chứa đựng ý nghĩa tình tự. Cho nên khi học một sinh ngữ, một tiếng nói, không phải chỉ nhằm lãnh hội một kiến thức khách quan, nhưng là thông cảm với một thái độ sống. Không đi vào xã hội Việt Nam để sống với người Việt, chia sẻ nếp sống của họ, không bao giờ hiểu được thực sự những chữ phải, không, dạ, vậng, không dám của người Việt.
Nói một cách tổng quát, khi đi vào những khoa học nhân văn, nghĩa là những khoa học lấy con người và những biểu hiện của nó làm đề tài khảo sát, không thể có một thái độ hoàn toàn như thái độ trước những khoa học vật lý.
Sở dĩ nghiên cứu khoa học nhân văn đòi hỏi một thái độ khác là vì đối tượng của nó không phải là một sự kiện khách quan, vô nghĩa, ở ngoài con người, trước mặt ta, như sự rơi của vật nặng, nhưng là một thái độ sống, một cách thế ở đời của con người.
Do đó, không phải là xác định một vị trí của một sự vật Khoa học vật lý mà là thông cảm với một cách thế ở đời, một cách hiểu đời và bày tỏ cuộc đời của con người như Merlelu Ponty nói: “I n’y a plus ici posilton d’un objet, mais communication avec une maniere detre”. Nhận xét trên của Merleau Ponty cho ta thấy tính cách đặc biệt của triết học và do đó đòi hỏi ta có một thái độ khác, thái độ nghiên cứu khoa học.
Triết lý - triết học
Ta tạm coi hai chữ triết lý và triết học bày tỏ hay nội dung khác nhau để phân biệt triết lý như là một thái độ sống thực và triết lý như một trí thức, một hệ thống.
Nếu hiểu triết lý là những thái độ của con người trước cuộc đời:
a) Người đời (người ở đời với những khác)
b) Đời người (ý nghĩa cuộc đời) thì triết lý ở khắp mọi nơi - ai cũng có triết lý – không tránh được triết lý ngay cả người mọi rợ, bán khai, vì bất cứ thái độ nào của con người trước cuộc đời cũng bao hàm những ý nghĩa: vì hiểu đời như thế nên có thái độ như thế cho nên có thể tìm thấy triết lý trong cái nhìn, nụ cười một rung động của con tim trong một lời nói, một cử chỉ yêu, giận, ghét hay trong một tác phẩm văn chương, một phong tục, lễ nghi… vì triết lý ở cuộc sống, gắn liền với cuộc đời của con người. Nhưng nếu triết lý chỉ là những thái độ sống, thì chưa phải là triết học.
Triết học là một suy nghĩ, nghiên cứu về triết lý. Chữ học ở đây gợi lên 3 điểm:
1. Suy nghĩ triết lý là học, nghĩa là như một khoa học (science) có mạch lạc, phương pháp rồi lại xếp những suy nghĩ nghiên cứu thành một hệ thống, một toàn thể hợp lý, chứ không phải suy nghĩ lung tung, rời rạc, gặp đâu nghĩ đấy… Suy nghĩ như một khoa là suy nghĩ bắt đầu từ một khởi điểm nào đó đưa tới một kết luận, tất cả tạo thành một hệ thống trong đó các bộ phận lý luận ăn khớp với nhau, liên tục và liên hệ với nhau như trong một bộ máy vậy.
2. Sự suy nghĩ về triết lý bao hàm có thực tại để suy nghĩ trước khi suy nghĩ về nó. Cũng như ngữ học, trước khi suy nghĩ về ngôn ngữ, văn phạm… thì đã có văn phạm tiếng nói như một thực tại sống động.
3. Do đó sự suy nghĩ triết lý là một ý thức. Sự suy nghĩ đòi hỏi con người đa biết vượt khỏi thái độ tự nhiên, bộc phát, trực tiếp để lấy một thái độ phản tỉnh (attitude reflexive).
Chẳng hạn trước khi ta học văn phạm ta vẫn nói theo đúng những mẹo luật mà không để ý hay không biết là có mẹo luật. Nhưng khi ta học văn phạm, tức là suy nghĩ tìm hiểu chính những mẹo, luật đó, thì mẹo luật lúc đó mới có ở bình diện ý thức và do đó mới có khoa ngữ pháp. Ngữ pháp chỉ là một khoa học khi ta ý thức được có mẹo luật.
Về triết lý cũng vậy, khi ta sống những thái độ triết lý, bao hàm những ý nghĩa về cuộc đời ta đồng hoá với những ý nghĩa đó, ta chưa biết nó, nên chưa có thể triết học vì ta chưa ý thức phản tỉnh.
Chỉ khi ta có ý thức phản tỉnh, nghĩa là đứng xa khỏi điểm ta ý thức để nhìn thấy nó, ta mới có thể suy nghĩ về những thái độ sống và sau đó là xếp những suy nghĩ đó lại thành một hệ thống lúc đó ta mới làm triết học.
Trong lịch sử nhân loại, giai đoạn triết lý là giai đoạn con người mới chỉ sống triết lý, chưa có ý thức phản tỉnh, nghĩa là người ta có thể tìm thấy những quan niệm về cuộc đời, vũ trụ của con người ở giai đoạn này qua các thần thoại, truyền thuyết, chuyện cổ tích hoang đường, ca dao, tục ngữ, văn chương, lễ nghi, tôn giáo, tập tục xã hội…
Giai đoạn triết học là giai đoạn con người có ý thức phản tỉnh, biết suy nghĩ và xếp đặt những suy nghĩ vào một tổng hợp, một hệ thống. Vậy học triết học là học các hệ thống triết học đã có từ xưa đến nay. Nhưng nếu chỉ học triết học như một hệ thống trong một tinh thần tách khỏi triết lý, cuộc đời, thì sẽ không thực sự hiểu được triết lý vì triết học là tri thức, trong khi triết lý là cái sống thực.
Cho nên, muốn hiểu triết học, phải hiểu triết lý và ngược lại triết lý (ý thức)- triết học (tri thức).
Nếu chỉ học triết học, thỉ chỉ biết triết lý như một tri thức, nhưng triết lý không phải hoàn toàn là một tri thức, Vậy nếu không học triết học thì cũng không hiểu được triết lý, vì triết học giúp ta thức tỉnh, giác ngộ và nhận định.
Do đó, có hai con đường cùng phải đi một lúc để tìm hiểu triết lý.
Học các hệ thống triết học (lịch sử triết học) để có thể thấy các hệ thống triết học khác nhau cùng đặt ra những vấn đề giống nhau, đồng thời cho ta làm quen với những suy tưởng lý luận giúp ta thức tỉnh và suy nghĩ lấy một mình sau này.
2) Đi từ những kinh nghiệm cụ thể, sống động của mình vào những vấn đề triết học để thấy rằng triết học gắn liền với cuộc đời xuất phát từ kinh nghiệm đời...
Những con đường đưa vào triết học
A/ Kinh nghiệm cụ thể
Chúng tà có thể “triết lý” và do đó “hiểu” triết lý từ những sự kiện tầm thường mà chúng ta gặp hằng ngày.
Thi trượt
Thi trượt là một hình thức của sự thất bại. Đó là một điều ta thấy hằng ngày và có lẽ chính ta cũng đã có kinh nghiệm thất bại thi trượt. Vậy chúng ta thử triết lý về kinh nghiệm thi trượt.
Thi trượt chỉ là một hình thức của sự thất bại nếu:
Tôi có dự định thi thật để sửa soạn tôi đã cố gắng học nhiều, mất nhiều công phu thực sự, tôi có cảm tưởng bằng lòng về những cố gắng của mình và với những cố gắng đó tôi nghĩ rằng tôi xứng đáng được đỗ, thế mà lúc thi xong vẫn không thấy tên mình trong danh sách các thí sinh trúng tuyển. Chỉ có dự định, cố gắng thật mà trượt thì thất bại mới có ý nghĩa. Còn nếu lười không học, không sửa soạn cẩn thận hay học tủ, nghĩa là trông vào may rủi trúng tủ thì đỗ, không trúng thì thôi, sự thất bại không có ý nghĩa. Nói cách khác, chỉ gọi là thất bại hay một dự định muốn thành công và đã cố gắng sửa soạn thật sự để đi tới thành công mà không đạt được.
Một cảm tưởng thường có sau khi gặp thất bại là ta thấy thắc mắc, ngạc nhiên không hiểu tại sao mình có thể thất bạ, dù đã cố gắng đến như thế. Nhiều khi ta còn có cảm tưởng nghịch lý này, làm xong bài thi và trong lúc đợi kết quả ta thấy mình làm không được có lẽ hỏng mất thì lại đỗ, trái lại khi ta đinh ninh mình làm được có vẻ “ăn chắc” làm thì lại trượt.
Chính những cảm tưởng đó buộc ta phải thắc mắc, tra hỏi lý do thi trượt, thất bại. Nhưng đặc điểm của thất bại là ta không thể hiểu ngay được nguyên nhân thất bại trước khi thất bại và sau khi vừa thất bại.
Nhận định
1 - Thất bại là một sự kiện nhân loại. Sở dĩ thất bại bao hàm một ý nghĩa và có thể rút ra ý nghĩa bị che giấu, bao hàm trong sự kiện đó, vì nó không phải là một sự kiện vật lý. Sự kiện nhân loại bày tỏ một thái độ của con người trước cuộc đời, biểu lộ những ý nghĩa mà con người ở đời gán cho những hành động của mình. Cho nên ta có thể khai triển những ý nghĩa đó.
2- Thất bại không phải là một sự kiện xảy ra hoàn toàn ngoài ý muốn của ta và bó buộc ta công nhận như một tất yếu. Chẳng hạn tung một hòn đá lên, nó rơi xuống theo một định luật và ta bó buộc phải công nhận định luật đó, dù muốn hày không muốn, vì sự kiện xảy ra ngoài ý muốn của ta như một tất yếu vật lý. Thất bại cũng không thể là một sự kiện tình cờ. Ví dụ, mua vé kiến thiết không trúng số độc đắc. Đó không phải là một thất bại, vì ta hoàn toàn căn cứ vào sự may rủi, chứ không có một cố gắng sáng kiến gì trong dự định muốn thành công. Cho nên những thua thiệt do may rủi, rút thăm đánh cuộc, thách đố đều không phải là thất bại thực sự. Do đó, theo đúng nghĩa “nhân loại” của danh từ, thất bại bao giờ cũng có một âm hưởng nhân vị nghĩa là nó đòi hỏi có phần cố gắng, sáng kiến dự định của con người muốn thành công và hy vọng thành công. Hy vọng này không dẹa vào may rủi, nhưng thiết thực dựa vào sự sửa soạn góp phần của mình. Chính vì thế mà thất bại làm cho ta đau khổ, chua xót “điếng người” vì ta cho rằng ta “xứng đáng” thành công, nghĩa là ta đã sửa soạn đầy đủ, đã cố gắng kiến tạo thành công bằng chính bàn tay của ta, thể mà lại chất bại. Ta không cảm thấy chua xót bao nhiêu nếu ta không dựa vào cố gắng sửa soạn để hy vọng đỗ mà chỉ dựa vào may rủi, chẳng hạn ta lười không học hành gì, hoặc chỉ học một hai bài nếu không trúng tủ thì bỏ lớp đi ra thế thôi.
Trái lại sự thất bại càng chua xót, đau khổ khi càng thấy mình nắm vững được những yêu tố, bí quyết thành công.
Không phải là thất bại thực sự nếu con người hoàn toàn bất lực. Vì nếu ta biết chắc chắn thế nào cũng thất bại trước khi làm thì sự thất bại đó không phải là thất bại thực sự. Ví dụ, ta muốn bay, nhưng không thể bay được. Đó không phải là thất bại, vì trước khi định bay, ta đã biết chắc chắn không thể làm được. Việc đó, ở ngoài mọi khả năng của ta nên ta không thể làm được. Do đó, bất cứ việc làm gì, phải có chút hy vọng thành công và hy vọng đó căn cứ vào khả năng đóng góp, cố gắng kiến tạo thực sự của ta, thất bại mới có ý nghĩa.
Ngược lại, cũng không có thất bại thực sự khi con người hoàn toàn hiệu lực. Nếu ta quyền thế vô song, làm gì cũng được và trước khi làm biết chắc chắn thế nào cũng thành công, không thể hỏng được và sự biết chắc chắn đó không phải dựa vào may rủi mà lại dựa vào khả năng vô hạn của ta cũng không có thất bại. Chẳng hạn đối với thượng đế, là đấng mà người ta vẫn thường coi là quyền phép vô cùng không có thất bại cũng không có thành công.
Khám phá con người là một tự do
Cho nên, thất bại thành công chỉ có một ý nghĩa nhân loại mà thôi. Thất bại là một “độc quyền” của con người và con người có thể hạnh diện về sự độc quyền đó. Nói cách khác, sự vật loài vật cũng như thượng đế không có kinh nghiệm thành công, thất bại. Chỉ có con người mới có kinh nghiệm về thành công và thất bại. Thất bại, thành công bày tỏ con người là một tự do, nghĩa là một người có thể dự định. Dự định là chối bỏ tình trạng đang có để vươn tới cái chưa có. Đã hẳn chỉ có thể chối bỏ như thế nếu có một khả năng phủ nhận khả năng đó là tự do. Vậy con người là con vật biết dự định, có thể làm và có thể thành công. Đến đây, phải phân biệt cái có thể thực sự có thể và cái có thể không thể, cái có thể thực sự có thể là điều dự định thực sự không thể thực hiện được. Ví dụ dự định đi thi và thực sự có thể thi được và csi có thể thực sựkg thể như dự định bay thì thực sự không thể thực hiện được. Thất bại thành công nằm ở lĩnh vực có thể. Xét về phương diện tự do, cái có thể thực sự không có thể thuộc về lĩnh vực tất yếu, con người không dự định gì được cho nên cũng không thể thất bại thành công trong lĩnh vực đó còn cái có thể thuộc về lĩnh vực của tự do tuyệt đối bao hàm một khả năng vô hạn, vì nếu là vô hạn, vô song, cũng không thể nói tới một cái có thể. Chữ “có thể” bày tỏ một giả thiết có thể có, có thể không, chữ không biểu lộ một quả quyết, thế nào cũng có, chắc chắn phải có như một tất yếu. Cho nên tự do của con người là một tự do hạn định và thất bại, thành công nằm trong thứ tự do hạn định đó. Khi tôi dự định đi thi và cố gắng sửa soạn để thi, tôi nói: có thể đỗ nhưng cũng có thể trượt.
Vậy chính vì có thể thành công mà thất bại mới có ý nghĩa. Nếu đi thi mà chắc chắn thành công thì không có thất bại, hoặc chắc chắn sẽ trượt cũng không có thất bại thực sự. Cũng như sự trung tín, chung thuỷ trong tình bạn, tình yêu. Lòng trung thành chỉ có ý nghĩa và có giá trị nếu bao hàm một sự có thể phản bội. Nếu trung thành là một tất yếu đương nhiên phải thế, như đinh đóng cột, không phải cố gắng, khó nhọc gì, vì không bao giờ có thể phản bội được, thì sự trung thành đó chẳng có gì là cao cả. Cho nên sự thànhc ông chỉ có ý nghĩa khi bao hàm sự có thể thất bại và ngược lại thất bại cũng chỉ là thất bại nếu có thể thành công. Vậy có hai điều kiện quy định thế nào là thất bại:
1/ Con người là một tự do, nhưng không phải là một tự do tuyệt đối, có quyền lực vô song, mà chỉ là tự do hạn định có khả năng, quyền lực đến một giới hạn nào đó.
2/ Thế giới trong đó môi trường con người dự định, muốn thực hiện một điều gì không hoàn toàn nằm trong tay con người. Nói cách khác, con người không làm chủ được tình thế, nắm chắc được tất cả những yếu tố đưa đến thành công trong khi thực hiện dự định của mình.
Vậy thất bại bao giờ cũng là một sự việc xảy ra trái với ý muốn thành công chống lại dự định của mình. Nếu khi ta dự định và đem dự định ra thực hiện mà lại muốn thất bại như mục đích của dự định thì không phải là thất bại. Một thất bại được mong muốn không còn là thất bại thực sự chỉ là thất bại khi ta mong muốn thành công và đã cố gắng để đi tới mà không đạt được.
Hình thức thất bại
1/ Đối với sự vật, thất bại trong khi tìm hiểu cơ chế biến đổi sự vật, thất bại trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và kỹ thuật. Sự thất bại ở đây ít có tính cách bi đát, đau đớn, vì ta biết rằng sở dĩ ta thất bại là vì chưa nắm được những định luật quy định thế giới sự vật mà thôi, và ta tin chắc rằng hễ khi nào ta tìm ra được những định luật quy luật đó thế nào ta cũng thành công. Ta tin ở thành công cuối cùng vì những định luật khoa học có tính cách tất yếu và hơn nữa một ngày kia ta có thể dần dần khám phá được những định luật đó.
2. Trái lại đối với thế giới con người, thất bại có tính cách bi đát hơn vì những định luật quy đinh thế giới con người không rõ ràng, tất yếu và do đó rất có thể là không bao giờ ta hiểu và lãnh hội được. Sở dĩ thế giới con người nhiều khi thoát khỏi được những dự định tìm hiểu và lợi dụng của ta là vì con người có tự do, mà nói tự do là nói cái bất ngờ, cái không thể dự đoán trước được. Tuy nhiên, đây không phải là một tự do tuyệt đối, và con người cũng nằm trong lĩnh vực tất yếu, khoa học nhưng sự tự do hạn định của con người vẫn bao hàm cái bất ngờ cái không thể dự đoán được. Do đó, dự định và ý muốn thành công càng khó đạt được vi ta ít nắm được những dữ kiện của thành công. Nói cách khác những dự định muốn thực hiện trong tương quan với xã hội loài người, khó đi tới thành công hơn và cũng khó tìm ra được nguyên nhân thất bại hơn. Đôi khi, người ta thấy không bao giờ có thể hiểu được lý do của một thất bại trong lĩnh vực tương giao giữa người với người khác như:
1. Thất bại trên đường học vấn, thi cử.
2. Thất bại trên đường làm ăn, công danh sự nghiệp.
3. Thất bại trên đường tình ái.
Những thất bại này có thể là tạm thời hay thường xuyên. Học hành đến thế mà tôi vẫn trượt hoài. Đang buôn bán phát đạt, bỗng nhiên bị tay bay vạ gió, cháy nhà, bị vu oan, kiện tụng rồi thua kiện sạt nghiệp, hay bị chiến tranh tản phá… Tìm kiếm người tri kỷ, bạn trăm năm mãi mà không được, hay tìm được rồi lại bị mất hoặc là vì sang tay người khác, hay là vẫn ở trong tay mình nhưng không còn yêu thương gì. Thất bại trong dự định muốn yêu và được yêu. Thất bại trong việc yêu và được yêu.
Những thất bại trên có thể chỉ là tạm thời : Năm nay trượt sang nămđậu. Bị khánh liệt ít lâu sau lại giàu có, mất người yêu này thì có người yêu khác… Nhưng cũng có thể là thường xuyên. Thi trượt, rồi vì hoàn cảnh không bao giờ thi được nữa do đó suốt đời sẽ là một người thi trượt. Mất người yêu rồi không bao giờ có thề yêu được nữa, và suốt đời sẽ là một người thất tình. Sự thất bại trở thành triệt để khi nó đụng chạm tới chính hiện hữu con người, khi ta nhận thấy rằng chính cuộc đời, sự sinh ra ở đời của ta đã là một thất bại rồi. Lúc đó, thất bại mặc một ý nghĩa siêu hình thực sự.
Con người là dự phóng và trong các dự phóng (nhận thức, yêu đương...), con người ước mơ cái vô hạn, cái hoàn thiện, cái vĩnh cửu, bất biến nhưng thiết thực con người không thể đạt tới được những lý tưởng vượt khỏi khả năng của con người. Nó như buộc phải dừng lại ở một chỗ nào đó trong dự định và không bao giờ nó có thể vượt quá được cái giới hạn đó. Tính cách hữu hạn gắn liền với thân phận làm người của con người ở đời làm cho con người ý thức được sự thất bại triệt để trên kia. Cuộc đời là một thất bại là vì những giới hạn ngăn chặn dự phóng của con người và nhất là nó biết không bao giờ có thể xoá bỏ được những giới hạn đó.
1/ Trên phương diện thân xác: ví dụ bị tàn tật (cụt tay, lùn, xấu xí), người lùn thấy mình không thể cao được, coi tình trạng lùn của mình như một thất bại, do đó thường khó tính với những người cao (có tự ti mặc cảm và hay gây sự, vì cứ tưởng mọi người để ý và chế diễu sự lùn của mình nên hay tỏ thái độ chống cự, gây sự dù thực ra chẳng ai muốn chế diễu mình lùn. Người xấu cũng coi cái xấu, vô duyên của mình là một thất bại và do đó hày ghen vô lý với những người đẹp.
2/ Trên phương diện tinh thần: sự đau khổ thất bại trong nhận thức và tình cảm. Chẳng hạn ý thức khốn khổ của Hégel mà các triết gia hiện sinh coi như một nguồn gốc căn bản của triết học hiện sinh. Không bao giờ con người thực hiện được một ý thức về mình bằng phản tỉnh. Nếu không ý thức, con người đã “trơ trơ lù lù” ra đây như hòn đá, vô tri vô giác, nhưng bắt đầu ý thức thì lại không thể lãnh hội được chính mình, luôn luôn có một khoảng cách giữa mình và ý thức về mình, xoá bỏ khoảng cách thì lại mất ý thức, trở lại tình trạng vô thức mình là mình, hoà đồng với chính mình nhưng ý thức nghĩa là tách khỏi mình để có thể nhìn thấy mình thì lại không thể đạt tới, vì đạt tới là hoà đồng, nghĩa là mất ý thức. Không thể vô thức mà cũng không thể có ý thức hoàn toàn về mình. Con người thất bại trong dự định tìm hiểu mình và sự thất bại đó là đau khổ, vì nó biết được nó thất bại.
Sự đau khổ về thất bại tình cảm như trong quan niệm về tình yêu của Sartre. Thất bại ở ngay dự phóng yêu. Khi yêu chỉ là muốn được yêu, do đó ai cũng chỉ nghĩ đến mình trong khi nói yêu người khác. Tình yêu là một lừa bịp lẫn nhau, rút cục không thể tương giao giữa người với người vì mỗi người là một cô đơn tuyệt đối, là một hòn đảo cô độc bên cạnh những hòn đảo cô độc khác trong biển người. Sau cùng cái chết là một hình thức bi đát nhất của hữu hạn hiểu như một thất bại gắn liền với thân phận con người.
Thân phận con người là một vật giới hạn, nhưng lại bất mãn với tính cách giới hạn của mình. Bất mãn với giới hạn, điều đó có nghĩa là con người không phải chỉ là giới hạn vì nếu chỉ là giới hạn, không thể bất mãn được. Vậy sở dĩ con người bất mãn là vì không phải hoàn toàn là giới hạn và muốn vượt khỏi giới hạn muốn vượt nhưng không thể vượt được đó là ý nghĩa bi đát của sự thất bại nhân loại.
1/ Nếu con người không biết có giới hạn, chỉ là vật giới hạn không muốn vược cũng như không có bất mãn.
2/ Nếu biết có giới hạm bất mãn, nhưng lại vượt được giới hạn cũng không còn bất mãn.
3/ Biết giới hạn, muốn vượt nhưng không thể vượt được. Thất bại. Nhưng nếu con người chấp nhận sự thất bại cũng không có bi đát. Trái lại thất bại mà vẫn không chấp nhận thất bại, mới bi đát.
Trước thất bại, con người có thể có nhiều thái độ và mỗi thái độ đều bao hàm mộc cách hiểu thất bại khác nhau:
1/ Chịu đựng.- Không tìm hiểu gì cả, cho rằng đó là tại số trời thiên định, cái mệnh hay vận đen (mưu sự tại nhân, thánh sự tại thiên).
2/ Tin rằng thất bại có một ý nghĩa, cuộc đời có một ý nghĩa trong sự an bài của Thượng đế đấng quan phòng (providence) do đó chấp nhận và hy vọng vượt khỏi thất bại.
3/ Không chịu đựng - Đi tìm hiểu và không hiểu được cho rằng thất bại, đời là phi lý. Rồi hoặc là chán đời đi tự tử hay là giữ thái độ phản kháng, vì tự tử là hết ý thức, sẽ không còn thấy phi lý, nhưng không phải vì không ý thức mà xóa bỏ được vấn đề phi lý. Do đó phải sống để ý thức được phi lý và chống lại (thái độ của Camus, Sartte).
4/ Thắng trong thất bại - Người ta có thể không chấp nhận thất bại bằng nhiều cách, chẳng hạn:
Bằng cách hư vô hoá đối tượng nhằm đạt tới, hay không còn coi mục tiêu muốn thực hiện là quan trọng đáng kể. Khi đi thi, người ta coi viêc đó là quan trọng như thể tất cả đời mình sẽ tùy thuộc vào đỗ hay trượt (làm ăn, nghề nghiệp, hôn nhân: nếu trượt, người ta sẽ không lấy mình nữa). Khi trượt, coi thường việc đỗ, coi nó không thể chi phối cuộc đời mình, bất cần “ồ cái bằng tú tài, cử nhân là cái thá gì?”. Ta vẫn có thể làm ăn, thành lập gia đình mà không cần đến mảnh bằng. Ta khinh bỉ bằng cấp, cũng như một người muốn trèo cây hái quả nhưng không trèo được đã tự biện hộ bằng cách xoá bỏ sự thất bại. Ồ, quả còn xanh, hơn nữa quả này chẳng có ngon gì.
Đó cũng là thái độ của Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương, thái độ khinh đời, hư vô hoá những đối tượng thất bại (tuổi già, thi trượt, cảnh nghèo, mất chức) không còn coi những cái đó là quan trọng, đáng kể đối với cuộc đời đích thực của mình.
Bằng cách lấy sự biết mình thất bại là thắng lợi. Pascal nhận định: con người có thể bị vũ trụ đè bẹp, một con vi trùng cũng có thể giết chết nó, nhưng nó vẫn hơn vật đè bẹp, giết chết nó, vì nó biết nó tahát bại mà vũ trụ, vật đè bẹp nó thì biết mình thắng.
Một thắng lợi không được người thất bại nhìn nhận hoặc người thắng lợi cũng không biết mình thắng lợi không phải là một thắng lợi thực sự.
Coi việc thất bại của mình như là một yếu tố cần thiết chó sự thành công của người khác có ý nghĩa là thành công và bởi vì thất bại là cần thiết cho sự thành công, nên thất bại cũng tham dự vào sự thành công, trở thành mộc yếu tố của thành công. Người thi đỗ chỉ đỗ khi có người trượt. Nếu không bao giờ có ai trượt thi đỗ có còn ý nghĩa là đỗ nữa không? Cho nên trượt là yếu tố cần thiết để cho đỗ có ý nghĩa là đỗ và do đó trượt không phải là một thất bại hoàn toàn vì nó tham dự vào việc đỗ, như thể trượt cũng là một cách thế đỗ. Có lẽ đậy chỉ là một thái độ nguỵ biện để tự an ủi, nhưng không phải hoàn toàn phi lý, vì dựa trên khái niệm tương quan của Hegel. Chang hạn khi Hegel nói về cái cần thiết, cái không cần thiết, ông lý luận:
1/ Cái cần thiết chỉ là cần thiết nếu có cái không cần thiết.
2/ Vì thế cái không cần thiết cũng là cần thiết để có thể xác định cái cần thiết là cần thiết.
Coi ý nghĩa giá trị cuộc đời người không phải chi ở thành công hay thất bại, nhưng ở tại sự chiến đấu. Chẳng hạn thái độ của ông lão đánh cá trong chuyện “Ông già và biển cả” của Hemingway. Ông già đi đánh cá ngoài khơi đã 84 ngày rồi mà không được gì cả. 84 ngày chiến đấu một cách cô độc với sóng gió, nắng biển đói khát mệt nhọc. Đến ngày thứ 85, ông già câu được một con cá thật lớn, nhưng không nhấc lên thuyền được đành kéo con cá theo thuyền về bờ. Vất vả vì giòng con cá cho đến khi nó mệt chết, rồi lại vất vả chống lại đàn cá mập đến ăn thịt con cá chết…
Nhưng đây là một chiến đấu vô ích vì ông già đã trở về bờ với một xương cá đã rữa hết thịt. Con người chiến đấu và đã thất bại, nhưng ý nghĩa cuộc đời người không phải ở chỗ được hay thua, nhưng ở chỗ đã chiến đấu.
Do đó như Hemingway đã nói “nhưng con người không bao giờ chịu thú nhận mình bị thua. Một người có thể bị tiêu diệt nhưng không bao giờ chịu thua.
Người lính, nhà cách mạng có thể bị chết vì viên đạn, vì tra tấn dã man. Kẻ thù có thể biết được xác họ, nhưng không làm cho họ khuất phục. Do đó, chính người thắng mới là thua, và người bi thua là thắng vì vẫn giữ được bản lĩnh tinh thần, ý chí tranh đấu. Đó là niềm hãnh diện của mình; thua vì đã không chịu khuất phục

Về Đầu Trang Go down
 
lý giải của thi trượt_là triết học nên khó hiểu các bạn à_dọc rồi sẽ thấy hay
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» những học thuyết về cuộc sống_chắc đọc hơi khó hiểu các bạn à nhưng triết học mà

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Quỳnh Lưu III online :: GIAO LƯU_TRAO ĐỔI :: NGHỆ THUẬT SỐNG-
Chuyển đến